Ăn mận nóng, dễ nổi mụn nhưng nếu ăn điều độ, tác dụng chúng mang lại sẽ khiến bạn phải bất ngờ.

Mận đang vào mùa chín ngon nhất trong năm. Đây là loại trái cây vừa ngọt vừa chua, nhiều nước, trồng ở miền Bắc nhưng những năm gần đây, do được ưa chuộng nên mận đã xuất hiện và được ưa chuộng cả ở miền Nam. Quả mận giàu chất xơ, không có chất béo hoặc cholesterol xấu. Một quả mận chỉ chứa 30 calo, 6,5 g đường, 0,5 g protein và 1 g chất xơ nên có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Chống ung thư

Theo các nhà khoa học, sắc tố xanh đỏ gọi là anthocyanin được tìm thấy trong quả mận rất giàu chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa nguy cơ ung thư.

Mận dầm là  món ăn khoái khẩu của nhiều cô nàng. Ảnh: SuZi

Bảo vệ tim

Mận rất giàu kali. Một quả mận chứa khoảng 113 mg kali, giúp kiểm soát huyết áp cao, giảm nguy cơ đột quỵ và ngăn ngừa các vấn đề tim mạch.

Thanh lọc máu

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng cung cấp chất xơ dồi dào của mận giúp ngăn ngừa vón cục tiểu cầu, một trong những nguyên nhân gây các bệnh rối loạn máu như xơ cứng động mạch và cao huyết áp. Mận còn giúp thanh lọc máu bằng cách cung cấp thêm oxy.

Hàm lượng vitamin C trong quả mận khá cao nên nó có thể giúp tăng cường khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể. Ngoài ra, vitamin C còn giúp ngăn ngừa cholesterol bị oxy hóa bên trong các động mạch. Vì vậy, ăn mận có thể có tác dụng trong việc ngăn ngừa các bệnh như xơ cứng hay xơ vữa động mạch.

Cải thiện trí nhớ

Đồng thời, các chất chống oxy hóa trong mận còn có tác dụng ngăn ngừa những thiệt hại xảy ra ở tế bào thần kinh trong não. Nhờ vậy, nếu bạn ăn mận tức là bạn đang biết cách giúp trí nhớ của mình hoạt động tốt hơn. Các chất chống oxy hóa trong mận giúp hồi phục các tế bào trong não bị tổn thương. Ăn 3 - 4 quả mận mỗi ngày sẽ giúp bạn cải thiện trí nhớ hiệu quả.

Cải thiện thị lực

Ngoài vitamin C, mận còn chứa beta carotene, dưỡng chất đặc biệt có lợi cho mắt. Ăn mận có thể giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng, căn bệnh có thể dẫn tới mù lòa.

Giảm nguy cơ táo bón

Lượng chất xơ cũng như isatin và sorbitol trong quả mận có tác dụng điều chỉnh các chức năng của hệ tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột và giảm nguy cơ táo bón hiệu quả.

Tốt cho xương khớp

Mận có thể làm tăng đáng kể mật độ khoáng xương ở cột sống và cẳng tay.

Kiểm soát lượng đường trong máu

Mận là loại trái cây có chỉ số đường huyết GI rất thấp, giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Hỗ trợ giảm cân 

Không chỉ chứa ít calo, mận còn giàu vitamin, khoáng chất và dinh dưỡng cần thiết cho những ai muốn giảm cân, duy trì trọng lượng cơ thể hiệu quả.

Tóc khỏe da đẹp

Thời tiết mùa hè nắng mưa thất thường, các chị em thường rất quan tâm tới việc chăm sóc làn da sạm đi vì nắng và mái tóc khô cứng thiếu sức sống. Với hai vấn đề về da và tóc thì mận có thể xử lý cả hai với những chất dinh dưỡng tuyệt vời mà nó có. Chỉ cần 2 quả mỗi ngày để có một làn da và mái tóc đẹp hơn.

Tác hại khi ăn quá nhiều mận

Nóng trong người

Mận có tính nóng nên ăn nhiều mận có thể gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt... Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên ăn mận vì dễ bị nóng, phát ban, không tốt cho sức khỏe của mình và thai nhi.

Hại thận

Mận có chứa nhiều chất oxalate, do đó gây cản trở quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận, nguyên nhân chính gây sỏi thận và sỏi bàng quang. 

Hại dạ dày

Do hàm lượng axit cao nên ăn quá nhiều mận có thể ảnh hưởng đến dạ dày, đặc biệt ở trẻ em. Người bị bệnh dạ dày ăn nhiều mận sẽ trầm trọng thêm bệnh.

Hại men răng

Cũng do chứa nhiều axit, nên mận có thể làm hỏng men răng, gây ra các triệu chứng ê răng khi ăn nhiều.

Làm giảm tác dụng của một số loại thuốc

Mặc dù nhiều chất dinh dưỡng, mận có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc khi ăn nhiều. Do tác dụng giảm lượng đường trong máu của mận, người vừa trải qua phẫu thuật không nên tiêu thụ mận. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh dừng ăn mận 2 tuần trước khi phẫu thuật.

Theo Live Strong